Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Thịnh Long nguyên sơ và kì thú



Chỉ cách Hà Nội 160 km về phía đông nam, bãi tắm Thịnh Long thuộc huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định được coi là điểm du lịch mới, hấp dẫn đối với du khách vào những kỳ nghỉ ngắn. Sự kỳ thú của bãi biển chính là bãi tắm đẹp nguyên sơ với những hàng thông xanh ngút tầm mắt.

Theo lời mời của người bạn quê gốc Nam Định, chúng tôi lên đường khám phá một nơi mà cậu bạn giới thiệu là vẫn còn hoang sơ lắm. Đó là bãi tắm Thịnh Long. Từ Hà Nội, xuôi Quốc lộ 1A, sau hơn 2 giờ đồng hồ chạy xe liên tục, chúng tôi đã tới Thành phố Nam Định. Nghỉ ngơi một chút, đoàn chúng tôi lại từ Nam Định theo Quốc lộ 21 tới huyện Hải Hậu. Băng qua cây cầu Lạc Quần và đi thêm vài chục cây số nữa, chúng tôi dừng chân tại
nhathosanamngôi chùa Linh Ứng. Từ đây chúng tôi đã bắt đầu cảm nhận sự thay đổi của khí hậu. Bởi con đường dẫn đến biển Thịnh Long cách đó không xa.

Về đến Thịnh Long là một không khí khác hẳn: trong lành và yên ả. Con đê dài ngăn một bên là biển cả mênh mông, một bên là những cánh đồng xanh ngát, màu mỡ. Đứng trên triền đê ngút ngàn thông reo, ngửa mặt lên trời và thả hồn tự do theo làn gió mặn mòi của biển, tôi như có cảm giác được thiên nhiên vỗ về, ôm ấp. Biển hoang sơ, vắng người. Bãi cát sạch trơn ít dấu chân cho chúng tôi cơ hội được ngắm nhìn những tác phẩm độc đáo của dã tràng. Nước biển không xanh nhưng sạch sẽ. Sau một màn đùa vui trên bãi cát, chúng tôi gồm 2 đội: một đội sợ nước tham gia vào trò câu tôm và một đội thích vùng vẫy trong lòng biển cả. Biển Thịnh Long hiền hòa. Ngay cả khi bạn không biết bơi, bạn cũng không nhất thiết phải dùng đến phao. Chỉ cần nắm tay người bạn của mình nhảy qua những con sóng vỗ nhẹ từng đợt liên tiếp sẽ thật an toàn và thích thú. Ấn tượng trong tôi đối với Thịnh Long còn là tình người nồng ấm, sự hồn hậu và chân thành của những người ngư phủ. Rất nhiều hải sản tươi sống, mới đánh bắt từ biển khơi như cá lâm rang muối, ghẹ hấp, mực nướng… với giá cực rẻ, do chính những ngư dân ở đó chế biến phục vụ khách.Ngày thứ hai ở Thịnh Long, chúng tôi dậy rất sớm rủ nhau ra biển xem mặt trời mọc, câu tôm và đùa giỡn với những con sóng. Quay về, chạy bộ vào chợ, ăn quà quê với món bánh hấp được làm từ loại gạo nếp đặc sản đất Hải Hậu nhân đỗ xanh nóng hổi. Rồi lại quay ra biển, tiếp tục những trò chơi đồng đội vui nhộn và tắm biển. Sau một hồi đùa nghịch mệt lả, chúng tôi nằm dài trên bãi cát thưởng thức thứ âm thanh du dương của đất trời… Buổi trưa, kiếm một quán nhỏ nhâm nhi đồ biển tươi ngon mà ngư dân vừa đánh bắt. Chiều, sau khi đã nghỉ ngơi, chúng tôi làm một vòng quanh bờ biển. Ở hai đầu bãi tắm Thịnh Long là hai khu tập trung đánh bắt. Buổi chiều là lúc ngư dân chuẩn bị cho chuyến ra khơi ngày hôm sau. Người dân thân thiện và dễ tính. Theo chân cậu bạn, chúng tôi tới làm quen và nghe những người ngư phủ kể về các chuyến đi biển… và còn được mời về nhà dự một bữa cơm thân mật với gia đình họ.

Ngoài hải sản, có lẽ ai cũng biết đặc sản nổi tiếng ở miền đất Hậu này chính là gạo tám thơm. Hạt gạo dài, trắng đục chưa cần nấu chín đã toả ra mùi hương thoang thoảng, cùng với những con ốc biển xinh xắn mà chúng tôi “lượm” được chính là món quà khi tạm biệt nơi đây.

Bài: Ngọc Anh
Ảnh: Việt Anh
 (Nguồn Travellive)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là [Tên/URL]. Với [Tên/URL] bạn chỉ cần viết tên mình trong ô (Tên) và bỏ trống ô (URL) -> xong nhấn vào [Tiếp tục] -> nhấn [Đăng nhận xét] là OK.

Cám ơn bạn!