TT.Quê nhà

Huyện Hải Hậu khai mạc hội chợ triển lãm sinh vật cảnh năm 2011

Ngày 19/3/2011, tại Trung tâm văn hoá-Thể thao huyện Hải Hậu đã khai mạc Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh năm 2011.
Về dự khai mạc có ông Lê Đình-Uỷ viên BCH Hội sinh vật cảnh Việt Nam- Phó Tổng biên tập báo Việt Nam hương sắc, Ông Nguyễn Phùng Hoan- Phó giám đốc sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, ông Phạm Hồng Cờ - Phó Chủ tịch Hội sinh vật cảnh, Hội cổ vật tỉnh Nam Định; đại biểu Hội sinh vật cảnh 16 tỉnh phía Bắc, Hội sinh vật cảnh, CLB sinh vật cảnh các huyện trong tỉnh và Đoàn Quan họ tỉnh Bắc Ninh.
 Ở huyện, đồng chí Trần Quang Chiểu-Tỉnh uỷ viên-Bí thư Huyện uỷ đã về dự và chỉ đạo cùng các đồng chí: Phạm Văn Chiến-Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ, Trần Văn Chinh-Thường vụ Huyện uỷ-Phó Chủ tịch UBND huyện-Trưởng ban tổ chức Hội chợ; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện uỷ, lãnh đạo UBND huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp; các đồng chí nguyên là Chủ tịch hội sinh vật cảnh huyện; thành viên Ban chỉ đạo Hội chợ, Ban chấp hành Hội sinh vật cảnh huyện, Hội cây cảnh nghệ thuật, Hội cổ vật huyện; các đồng chí Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND kiêm Trưởng ban hội chợ; Chủ tịch Hội sinh vật cảnh 35 xã, thị trấn và hàng nghìn hội viên, nghệ nhân đã đem các tác phẩm đặc sắc về dự hội chợ.
Hội chợ triển lãm sinh vật cảnh huyện Hải Hậu năm 2011 diễn ra từ ngày 19 đến ngày 26 tháng 3 năm 2011 trên diện tích 5 ha trưng bày thuộc khu vực Trung tâm Nhà văn hoá, sân nhà thi đấu và sân vận động mới của huyện Hải Hậu. 39 đoàn của 35 xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp đã đưa về hội chợ 1.568 tác phẩm cây cảnh nghệ thuật của các nghệ nhân và nhân dân. Nhiều đơn vị có nhiều tác phẩm giá trị cao, điển hình là xã Hải Sơn, Hải Lý, Hải Minh…Cùng với cây cảnh nghệ thuật, Hội cổ vật huyện Hải Hậu đã đem đến Hội chợ trưng bày các tác phẩm độc đáo thu hút sự tham quan của đông đảo nhân dân.
Hội chợ triển lãm sinh vật huyện Hải Hậu năm 2011 là dịp để các nghệ nhân và nhân dân trưng bày thành quả lao động tri thức của mình, là dịp tăng cường giao lưu, trao đổi thương mại, khẳng định giá trị kinh tế của tác phẩm, góp phần quảng bá thương hiệu và thúc đẩy sự phát triển của phong trào sinh vật cảnh thành nghề sản xuất và ngành kinh tế của Hải Hậu.

Một số hình ảnh trong buổi khai mạc và ảnh một số cây cảnh được trưng bày tại hội chợ triển lãm:





















































Trần Thị Loan - Ban tuyên giáo Hải Hậu
nguồn: Sưu tầm
--------------------------------------------------

Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về kinh tế biển, dịch vụ và du lịch, thực hiện chủ trương của Đảng: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, những năm qua Đảng bộ Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) đã tăng cường lãnh đạo, phát huy vai trò của từng tổ chức Đảng và đảng viên trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ nói chung, nhiệm vụ phát triển kinh tế nói riêng, khai thác tối đa nội lực của mảnh đất và con người Thịnh Long tích cực, chủ động chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, tăng cường xây dựng hạ tầng cơ sở từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của một đô thị ven biển.
Đảng bộ Thị trấn hiện có 604 đảng viên, sinh hoạt tại 30 chi bộ cơ sở. Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng uỷ Thị trấn đã đề ra, toàn Đảng bộ tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu trong phát triển kinh tế. Trong 5 năm trở lại đây, kinh tế - xã hội của thị trấn ổn định và có bước tăng trưởng khá, với tốc độ bình quân hằng năm đạt 11,2%. Tổng giá trị thu nhập trên địa bàn bình quân đạt 142 tỷ đồng/năm, thu nhập đầu người đạt 9,1 triệu đồng/năm. Nét nổi bật là cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực: tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống còn 36% và ngành CN-TTCN - du lịch và dịch vụ đã chiếm tới 64%. Việc nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản được mở rộng, triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng được tăng cường thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực CN-TTCN, du lịch và dịch vụ. Bộ mặt đô thị của thị trấn không ngừng được đổi mới. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt… Năm 2010 vừa qua, tổng thu nhập trên địa bàn đạt 171 tỷ đồng, trong đó nuôi trồng, chế biến hải sản đạt 37,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng. Thu ngân sách đạt trên 3,8 tỷ đồng.
Để có được kết quả đó, Đảng bộ Thị trấn đã đề ra những biện pháp cụ thể, sát với thực tế để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo động viên cán bộ, đảng viên tích cực thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chuyển đổi diện tích đất 2 lúa có năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản và trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay, thị trấn đã chuyển đổi được gần 920ha, trong đó diện tích nuôi thuỷ sản là 43ha, cho thu nhập bình quân 85 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, các ngành nghề chủ yếu như cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, vận tải, kéo sợi, dệt lưới… tiếp tục được duy trì và phát triển, với 8 cơ sở sản xuất sợi cước, trên 150 hộ sản xuất kinh doanh vừa và nhỏ, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động. Giá trị sản phẩm ngành CN-TTCN đạt hơn 30 tỷ đồng/năm. Với tiềm năng kinh tế biển, Đảng bộ Thị trấn tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển nghề khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ hải sản nhằm tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động… với tổng giá trị đạt 25,3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, thị trấn cũng triển khai thực hiện mở rộng và nâng cấp một số tuyến đường khu du lịch, cải tạo khu dân cư; nâng cao chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ ngành du lịch - dịch vụ. Nhờ đó, năm 2010 lĩnh vực dịch vụ - du lịch thu hút hàng chục vạn lượt khách du lịch và nghỉ mát, tắm biển với giá trị thu được đạt khoảng 6,3 tỷ đồng. Để phát huy cao vai trò và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, Đảng bộ Thị trấn luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, tập trung làm tốt công tác tổ chức, củng cố bộ máy, xây dựng quy hoạch kiện toàn đội ngũ cán bộ, đủ về số lượng, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đảng bộ Thị trấn và các chi bộ thường xuyên duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt của đảng bộ, chi bộ, chất lượng đảng viên để xây dựng tổ chức Đảng thật sự trong sạch vững mạnh; từng cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, trình độ và năng lực thực tiễn, thật sự là hạt nhân lãnh đạo, là trung tâm đoàn kết để đưa phong trào của thị trấn phát triển một cách toàn diện và vững chắc. Nhờ vậy, Đảng bộ Thị trấn luôn giữ vững là đảng bộ trong sạch vững mạnh, chính quyền vững mạnh, MTTQ và các đoàn thể nhân dân tiên tiến xuất sắc. Qua đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm, số chi bộ Đảng đạt trong sạch vững mạnh chiếm hơn 85%, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm trên 80% tổng số đảng viên, trong đó số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 15%.
Qua kết quả hoạt động của Đảng bộ Thị trấn Thịnh Long trong lãnh đạo phát triển kinh tế có thể rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, Đảng bộ Thị trấn đã vận dụng một cách sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng vào điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra các biện pháp đúng đắn để thực hiện thắng lợi các nghị quyết của đảng bộ, trong đó đã lựa chọn những vấn đề có tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm và chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, dứt điểm. Ngoài ra, trong lãnh đạo của Đảng uỷ Thị trấn, quản lý, điều hành của UBND Thị trấn đã biết tranh thủ có hiệu quả sự giúp đỡ của các cấp, các ngành đồng thời phát huy sức mạnh nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế phát triển. Thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Gắn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giữ ổn định để phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước./.
Nguồn Báo Nam Định

-----------------------------------------------------------------

Hải Hậu, vùng biển sáng về văn hoá



Hải Hậu là huyện giàu truyền thống văn hoá của tỉnh Nam Định. Ngay từ buổi đầu lập đất, cư dân lấn biển đã có sự tổ chức hướng dẫn của các doanh điền sứ - những nhà tri thức, nhà kinh tế văn hoá tài năng. Năm 1511, xã Quần Anh là đơn vị hành chính đầu tiên của Hải Hậu có tên trên bản đồ quốc gia, năm 1862 được triều đình phong sắc “Thiện tục khả phong” rồi “Mỹ tục khả phong” cho vùng đất này.
Trong các cuộc kháng chiến, huyện và 9 xã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, một xã được tặng Anh hùng lao động và 11 cá nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong thời kỳ đổi mới, Hải Hậu được phong tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương Độc lập hạng ba. Từ năm 1978 đến nay là đơn vị điển hình toàn quốc về văn hoá cấp huyện. Đó là những động lực to lớn để Hải Hậu ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, trở thành một “vùng biển sáng về văn hoá”.
Để trở thành điển hình văn hoá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hậu đặc biệt quan tâm duy trì bền vững phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Trước hết là tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở. 15 di tích văn hoá được xếp hạng, nhân dân đã quyên góp được trên 2 tỷ đồng để bảo quản tôn tạo.
Trong 5 năm qua, nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, đền liệt sĩ của huyện được đầu tư nâng cấp hàng chục tỷ đồng; có 4 xã xây dựng được nhà truyền thống như: Hải Anh, Hải Trung, Hải Phú, Hải Minh. Thực hiện chương trình xây nhà văn hoá (NVH) xóm giai đoạn 2005-2010, huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ xây mới mỗi NVH xóm là 3 triệu đồng.
Huyện định hướng cụ thể mô hình, nhân dân bàn bạc để đóng góp xây dựng NVH phù hợp với xóm của mình. Cách thức đóng góp tuỳ theo số hộ dân, được bàn bạc dân chủ công khai, sau đó chi bộ đưa ra mức đóng góp của từng hộ dân. Kết quả nhân dân đóng góp 70%-80% tổng mức đầu tư xây dựng NVH xóm. Đến nay toàn huyện có 359/550 xóm có NVH, 11 xã có 100% số xóm có NVH, mỗi NVH trị giá trên 100 triệu đồng, có NVH trên 300 triệu đồng.

Nhiều mô hình thiết chế văn hoá được quy hoạch xây dựng với quy mô lớn ngày càng được đầu tư hoàn thiện, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của quần chúng nhân dân, như Nhà thi đấu trung tâm huyện đang hoàn thiện với kinh phí gần 10 tỷ đồng; Tháp đền liệt sĩ 13 tầng được khánh thành vào dịp kỷ niệm 61 năm ngày TBLS; hệ thống thư viện, phòng đọc sách ở nhiều xã, thị trấn ra đời; trên 80% các xóm có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; một loạt cổng làng mới được xây dựng, mỗi cổng làng có nét văn hoá riêng thể hiện trên bức đại tự ghi tạc. Đường liên thôn, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá và có điện thắp sáng. Hệ thống trường học cao tầng đều khắp ở các xã-thị trấn, nhiều địa phương có 2-3 trường cao tầng, kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp.

Đồng thời với việc xã hội hoá xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, Hải Hậu quan tâm xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các câu lạc bộ cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh của tuổi già, các nhóm - đội văn nghệ xung kích tuổi trẻ, câu lạc bộ thơ góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu chính đáng về đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Nét nổi bật là tính văn hoá truyền thống xa xưa lưu truyền lại qua nhiều câu lạc bộ chèo, dân ca, thơ phú, như Chiếu chèo Hải Châu, Hải Hà; Câu lạc bộ hát dân ca ở Hải Hưng, Hải Phú, thị trấn Cồn, Hải Xuân; Câu lạc bộ hoa lan (mở hội vào mồng 7 tháng giêng hàng năm), CLB cây cảnh nghệ thuật của huyện được hình thành từ niềm say mê ở mọi lứa tuổi. Hiện nay cộng đồng dân cư, cộng đồng lương-giáo trong đời sống hàng ngày có sự gắn quyện, đặc biệt trong những ngày hội, ngày lễ lớn. Hình ảnh đội kèn đồng nhà thờ thi các tác phẩm cách mạng nhân dịp lễ hội truyền thống cách mạng của huyện; nhà sư Thích Thanh Trường lên sân khấu hát chèo; tiết mục biểu diễn hát quan họ của đôi vợ chồng Bí thư xã Hải Phúc, Hải Lý đã trở thành chuyện thường ngày của huyện.
Cũng trên cơ sở đó, một số môn nghệ thuật văn hoá truyền thống được khôi phục như múa sư tử, đi kheo, đánh trống cà rùng của các xã ven biển. Hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9, cả huyện tưng bừng ngày hội văn hoá truyền thống. Đây thực sự là cầu nối đoàn kết thân ái giữa các tôn giáo, vùng miền trong huyện. Cán bộ đảng viên và nhân dân vừa là người tham gia hoạt động, vừa là người hưởng thụ, nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ tiền cho đội văn nghệ, đội thể thao của xã đi thi đấu.

Hiệu quả của phong trào xã hội hoá, xây dựng đời sống văn hoá của Hải Hậu đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển xã hội. Đặc biệt hệ thống NVH xóm đi vào hoạt động, nhân dân có điều kiện tiếp nhận nhanh thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất tạo sự chuyển biến mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay toàn huyện đã có 100% xóm, khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước kết hợp tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hương ước xóm thực sự là chỗ dựa để xây dựng gia đình văn hoá, làng xóm văn hoá. Qua lựa chọn bình xét hàng năm, toàn huyện có 75% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Đến nay, 334 đơn vị đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hoá, 40/107 họ đạo tiên tiến, 22/36 chùa tiên tiến, 420 xóm không có tệ nạn xã hội.

Làng văn hoá thực sự đem lại niềm tự hào cho mỗi người dân Hải Hậu.
Hải Hậu là huyện ven biển phía Nam tỉnh Nam Định, có diện tích tự nhiên 230,2 km², 32 km đê biển, 31 km đê sông lớn. Dân số toàn huyện hơn 29 vạn người, trong đó khoảng 40% đồng bào công giáo được phân bố ở 32 xã, 3 thị trấn, là huyện có truyền thống thâm canh nông nghiệp, diêm nghiệp và ngư nghiệp. Ngày nay Hải Hậu có cảng biển và khu du lịch tắm biển Thịnh Long đang được đầu tư nâng cấp mở rộng.

NGUYỄN THANH HIỀN
Theo báo Sài Gòn Giải phóng

------------------------------------------------

Chùa Linh Ứng, tọa lạc tại thị trấn Thịnh Long (huyện Hải Hậu, Nam Định). Nơi đây đang nuôi dưỡng 23 em nhỏ và 8 cụ già.
Cháu Phạm Văn Hoàng 9 tuổi, được bà ngoại đem đến gửi nhà chùa cách đây 4 năm cho biết: "Mẹ cháu đi làm ăn xa, khi mang thai cháu thì bố cháu mất. Các Ni sư ở đây cũng không ai biết nhà bà ngoại cháu ở đâu, vì bà ngoại không tiết lộ. Từ đó đến nay, bà ngoại chỉ đến thăm Hoàng một lần."
Cháu Hùng đang học lớp 7, chào đời khi người mẹ mới bước vào tuổi 17, và không biết bố là ai. Sinh xong, người mẹ đem con về quê gửi nhờ chị gái nuôi hộ, để còn phải đi lấy chồng. Hùng ở với bác được 3 năm thì người bác bị mắc bệnh ung thư, gia cảnh lâm vào khó khăn cùng cực, nên phải đem cháu đến gửi gắm nhà chùa.
Ấn tượng nhất là cháu Đặng Lê Hoàng Dũng quê ở tận An Giang. Mẹ cháu trốn khỏi bệnh viện khi mới sinh cháu được nửa ngày. Một người xe lôi đã rước cháu về, nhưng không đủ kinh tế để nuôi dưỡng cháu, nên trao lại cháu làm con nuôi của cô Đặng Thị Bé Ba ở An Giang.
Lên 5 tuổi, Dũng được mẹ nuôi gửi vào chùa Giác Thiên ở Vĩnh Long. Ở chùa Giác Thiên, Dũng quậy phá, xé sách vất đi, không chịu đi học. Nhà chùa đành phải trả cháu về.
Một lần gia đình mẹ nuôi xem chương trình truyền hình VTV1 thấy giới thiệu về chùa Linh Ứng ở Nam Định nuôi dạy trẻ mồ côi, nên họ đã đưa cháu ra đây gửi gắm.
Có cháu bé bị người thân vứt bỏ ở cổng chùa khi mới vài ngày tuổi, và chẳng một lần quay lại thăm nom. Có cháu vì cha mẹ bỏ nhau, nghiện ngập, hoặc gia cảnh khốn khó không nuôi nổi con, nên đem lên chùa nhờ nuôi hộ.
Tình người nơi cửa Phật
Ông Lê Công Sản, Chủ tịch UBND thị trấn Thịnh Long cho biết: Mỗi cháu được lập hồ sơ riêng, có lai lịch rõ ràng và thực hiện đầy đủ những thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật như tạm trú, tạm vắng.
Các cháu được nhà chùa nuôi ăn ở, cho học văn hóa, tu dưỡng đạo hạnh làm người, nên các cháu phát triển tốt cả về thể chất và nhân cách. Cứ 2 cháu ở một phòng, mỗi cháu được trang bị một giường, một tủ đựng quần áo, bàn học, có cả lọ hoa tươi bày trên bàn... Cháu Hà là nữ, rất thích khâu vá, nên được Sư bà trụ trì sắm cho một chiếc máy khâu.
Nhìn Sư cô trẻ Thích Diệu Huệ thuần thục pha sữa bón cho một cháu bé sơ sinh, tôi hỏi vui: Trói mình vào chốn sắc-không, mà vẫn phải “nuôi con”, SC có thấy thiệt thòi?
Một nụ cười thoát tục nở trên môi SC. Ni giảng giải: “Nếu chỉ hiểu đơn thuần sắc - không là không có sắc, là chối bỏ mọi sắc màu trần tục thì thật phiến diện. Đâu phải thế! Chốn thiền môn vẫn đầy ắp sắc màu. Chớ tưởng các nhà tu hành chối bỏ tình yêu thương, thực ra chúng tôi yêu cả thế gian này”.
Nhà chùa đã giúp cai nghiện thành công cho 3 trường hợp nghiện ma túy nặng ở thị xã Cẩm Phả, Quảng Ninh, đó là các anh: Bùi Văn Lân 42 tuổi và Nguyễn Văn Cảnh 25 tuổi, Vũ Văn Tân 19 tuổi.
Trong 6 tháng liên tục, hàng ngày các Ni đem giáo lý đạo Phật, thực ra là chân lý sống rất gần gũi với mỗi chúng ta, thêm vào đó là tình cảm của người thầy, người mẹ, người chị để cảm hóa họ.
Đồng thời, sớm tối họ được lên chùa tụng kinh niệm Phật, do đó được hồi tâm hướng thiện. Kết quả thật huyền diệu, các anh được xét nghiệm máu và cho thấy không còn ma túy trong máu nữa. Hiện nay, 3 anh vẫn khỏe mạnh, sống hòa nhập với cộng đồng, gia đình hạnh phúc, nghề nghiệp ổn định.
Những hiện thân Bồ tát
Ni sư Đàm Bích trụ trì chùa Linh Ứng, quyết chí thượng cầu Phật đạo, hạ hóa quần sinh hoằng dương Phật pháp, cứu khổ những mảnh đời bất hạnh. Cùng đồng tâm với SC trụ trì, tất cả các Ni sư ở đây đều đoàn kết nhiếp hóa chúng sinh.
SC.Thích Diệu Huệ tuổi chưa tới 30, vốn quê ở Hà Nội, từng tu ở chùa Hòe Nhai. Ni xem truyền hình thấy giới thiệu hoạt động nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở chùa Linh Ứng, liền phát nguyện về đây chăm sóc các cháu.
Bà Dung là một Phật tử mộ đạo, đã 15 năm ở đây giúp nhà chùa nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Bà tâm sự: “Nhiều đêm ngồi bên các cháu, nghe các cháu hỏi “bà ơi, bố mẹ con đâu”, tôi phải quay đi mà ứa nước mắt. Nhiều cháu đã trưởng thành từ ngôi chùa Linh Ứng, nay đã tự lập và có việc làm, được Ni sư trụ trì đứng ra dựng vợ gả chồng.
 

Theo: Giác Ngộ Online
----------------------------------------------------