Thứ Năm, 14 tháng 4, 2011

Hải Hậu, vùng biển sáng về văn hoá



Hải Hậu là huyện giàu truyền thống văn hoá của tỉnh Nam Định. Ngay từ buổi đầu lập đất, cư dân lấn biển đã có sự tổ chức hướng dẫn của các doanh điền sứ - những nhà tri thức, nhà kinh tế văn hoá tài năng. Năm 1511, xã Quần Anh là đơn vị hành chính đầu tiên của Hải Hậu có tên trên bản đồ quốc gia, năm 1862 được triều đình phong sắc “Thiện tục khả phong” rồi “Mỹ tục khả phong” cho vùng đất này.
Trong các cuộc kháng chiến, huyện và 9 xã được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang, một xã được tặng Anh hùng lao động và 11 cá nhân là Anh hùng lực lượng vũ trang. Trong thời kỳ đổi mới, Hải Hậu được phong tặng: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Huân chương Độc lập hạng ba. Từ năm 1978 đến nay là đơn vị điển hình toàn quốc về văn hoá cấp huyện. Đó là những động lực to lớn để Hải Hậu ngày càng giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh, trở thành một “vùng biển sáng về văn hoá”.

Để trở thành điển hình văn hoá, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Hậu đặc biệt quan tâm duy trì bền vững phong trào xã hội hoá các hoạt động văn hoá. Trước hết là tập trung xây dựng hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở. 15 di tích văn hoá được xếp hạng, nhân dân đã quyên góp được trên 2 tỷ đồng để bảo quản tôn tạo.
Trong 5 năm qua, nhà văn hoá, thư viện, bảo tàng, đền liệt sĩ của huyện được đầu tư nâng cấp hàng chục tỷ đồng; có 4 xã xây dựng được nhà truyền thống như: Hải Anh, Hải Trung, Hải Phú, Hải Minh. Thực hiện chương trình xây nhà văn hoá (NVH) xóm giai đoạn 2005-2010, huyện đã thực hiện cơ chế hỗ trợ xây mới mỗi NVH xóm là 3 triệu đồng.
Huyện định hướng cụ thể mô hình, nhân dân bàn bạc để đóng góp xây dựng NVH phù hợp với xóm của mình. Cách thức đóng góp tuỳ theo số hộ dân, được bàn bạc dân chủ công khai, sau đó chi bộ đưa ra mức đóng góp của từng hộ dân. Kết quả nhân dân đóng góp 70%-80% tổng mức đầu tư xây dựng NVH xóm. Đến nay toàn huyện có 359/550 xóm có NVH, 11 xã có 100% số xóm có NVH, mỗi NVH trị giá trên 100 triệu đồng, có NVH trên 300 triệu đồng.

Nhiều mô hình thiết chế văn hoá được quy hoạch xây dựng với quy mô lớn ngày càng được đầu tư hoàn thiện, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của quần chúng nhân dân, như Nhà thi đấu trung tâm huyện đang hoàn thiện với kinh phí gần 10 tỷ đồng; Tháp đền liệt sĩ 13 tầng được khánh thành vào dịp kỷ niệm 61 năm ngày TBLS; hệ thống thư viện, phòng đọc sách ở nhiều xã, thị trấn ra đời; trên 80% các xóm có sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông; một loạt cổng làng mới được xây dựng, mỗi cổng làng có nét văn hoá riêng thể hiện trên bức đại tự ghi tạc. Đường liên thôn, liên xã được nhựa hoá, bê tông hoá và có điện thắp sáng. Hệ thống trường học cao tầng đều khắp ở các xã-thị trấn, nhiều địa phương có 2-3 trường cao tầng, kinh phí chủ yếu do nhân dân đóng góp.

Đồng thời với việc xã hội hoá xây dựng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá, Hải Hậu quan tâm xã hội hoá các hoạt động văn hoá, thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các câu lạc bộ cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, thể dục dưỡng sinh của tuổi già, các nhóm - đội văn nghệ xung kích tuổi trẻ, câu lạc bộ thơ góp phần đáp ứng cơ bản nhu cầu chính đáng về đời sống văn hoá tinh thần của người dân.
Nét nổi bật là tính văn hoá truyền thống xa xưa lưu truyền lại qua nhiều câu lạc bộ chèo, dân ca, thơ phú, như Chiếu chèo Hải Châu, Hải Hà; Câu lạc bộ hát dân ca ở Hải Hưng, Hải Phú, thị trấn Cồn, Hải Xuân; Câu lạc bộ hoa lan (mở hội vào mồng 7 tháng giêng hàng năm), CLB cây cảnh nghệ thuật của huyện được hình thành từ niềm say mê ở mọi lứa tuổi. Hiện nay cộng đồng dân cư, cộng đồng lương-giáo trong đời sống hàng ngày có sự gắn quyện, đặc biệt trong những ngày hội, ngày lễ lớn. Hình ảnh đội kèn đồng nhà thờ thi các tác phẩm cách mạng nhân dịp lễ hội truyền thống cách mạng của huyện; nhà sư Thích Thanh Trường lên sân khấu hát chèo; tiết mục biểu diễn hát quan họ của đôi vợ chồng Bí thư xã Hải Phúc, Hải Lý đã trở thành chuyện thường ngày của huyện.
Cũng trên cơ sở đó, một số môn nghệ thuật văn hoá truyền thống được khôi phục như múa sư tử, đi kheo, đánh trống cà rùng của các xã ven biển. Hàng năm vào dịp Quốc khánh 2-9, cả huyện tưng bừng ngày hội văn hoá truyền thống. Đây thực sự là cầu nối đoàn kết thân ái giữa các tôn giáo, vùng miền trong huyện. Cán bộ đảng viên và nhân dân vừa là người tham gia hoạt động, vừa là người hưởng thụ, nhiều gia đình tự nguyện ủng hộ tiền cho đội văn nghệ, đội thể thao của xã đi thi đấu.

Hiệu quả của phong trào xã hội hoá, xây dựng đời sống văn hoá của Hải Hậu đã góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển xã hội. Đặc biệt hệ thống NVH xóm đi vào hoạt động, nhân dân có điều kiện tiếp nhận nhanh thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất tạo sự chuyển biến mọi mặt về đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến nay toàn huyện đã có 100% xóm, khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước kết hợp tốt việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Hương ước xóm thực sự là chỗ dựa để xây dựng gia đình văn hoá, làng xóm văn hoá. Qua lựa chọn bình xét hàng năm, toàn huyện có 75% gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Đến nay, 334 đơn vị đạt tiêu chuẩn nếp sống văn hoá, 40/107 họ đạo tiên tiến, 22/36 chùa tiên tiến, 420 xóm không có tệ nạn xã hội.

Làng văn hoá thực sự đem lại niềm tự hào cho mỗi người dân Hải Hậu.
Hải Hậu là huyện ven biển phía Nam tỉnh Nam Định, có diện tích tự nhiên 230,2 km², 32 km đê biển, 31 km đê sông lớn. Dân số toàn huyện hơn 29 vạn người, trong đó khoảng 40% đồng bào công giáo được phân bố ở 32 xã, 3 thị trấn, là huyện có truyền thống thâm canh nông nghiệp, diêm nghiệp và ngư nghiệp. Ngày nay Hải Hậu có cảng biển và khu du lịch tắm biển Thịnh Long đang được đầu tư nâng cấp mở rộng.

NGUYỄN THANH HIỀN
Theo báo Sài Gòn Giải phóng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

* Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là [Tên/URL]. Với [Tên/URL] bạn chỉ cần viết tên mình trong ô (Tên) và bỏ trống ô (URL) -> xong nhấn vào [Tiếp tục] -> nhấn [Đăng nhận xét] là OK.

Cám ơn bạn!