Sau khi đoạt giải Quốc tế năm 1970, bức ảnh mang tên“Sự trừng phạt đích đáng” đã nổi tiếng, được nhiều khán giả trong nước và quốc tế sưu tầm. Nhưng người nữ dân quân kéo xác máy bay năm ấy bây giờ như thế nào đã mấy ai tỏ tường?
Người con gái kéo xác máy bay trong bức ảnh đen trắng năm xưa là nữ dân quân Hà Thị Nhiên. Khi quê hương đã lắng mùi khói súng, người nữ dân quân này lập gia đình và sống cuộc sống bình dị, tảo tần.
Căn nhà số 7 ngõ Văn Nhân, phường Trần Hưng Đạo (TP Nam Định) của gia đình ông bà Phạm Quang Tiến - Hà Thị Nhiên đơn sơ, đạm bạc. Nét đặc biệt chính là bức tranh lớn được treo trang trọng trên tường do người con trai út vẽ phỏng lại tấm ảnh lịch sử “Sự trừng phạt đích đáng” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn.
Đã 40 năm trôi qua, kỷ niệm về những năm tháng chiến tranh ác liệt, gian khổ, hy sinh nhưng đầy hào hùng của quân và dân miền quê biển Hải Thịnh (Hải Hậu), đặc biệt là ký ức bắn máy bay Mỹ vẫn luôn in đậm trong tâm khảm bà Nhiên. Giọng xúc động, bà kể: “Khi tôi xấp xỉ bước vào tuổi thanh niên cũng là lúc lớp lớp thanh niên trai tráng quê nhà theo tiếng gọi của Tổ quốc, tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Anh em trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù, chị em Hải Thịnh vừa gánh vác công việc gia đình, sản xuất, vừa tham gia dân quân du kích, hỗ trợ các đơn vị bộ đội pháo cao xạ bảo vệ vùng trời, vùng biển quê hương”.
Những năm 1966 - 1968, thời điểm ác liệt nhất giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Chúng liên tục oanh tạc, bắn phá TP Nam Định và Hải Thịnh, bởi đây là hai trọng điểm chiến lược về kinh tế và giao thông. Thường thì máy bay địch sau khi vào oanh tạc Nam Định xong quay xuống Hải Thịnh và lúc đó còn bao nhiêu bom chúng đều trút hết xuống vùng đất này.
Cô dân quân kéo xác máy bay Mỹ ngày nào giờ cùng chồng tần tảo với cuộc sống thường nhật (Ảnh: Trần Việt Đức). |
Dân quân Hải Thịnh phối hợp với bộ đội quyết tâm bắn hạ quân “giặc trời”. Sáng sớm ngày 15/1/1966, máy bay Mỹ lại vào đánh phá Nam Định, sau đó bay về ném bom xuống Hải Thịnh như thường lệ. Thừa thời cơ chúng hạ thấp độ cao để thả bom, bằng súng 12,7mm, dân quân Hải Thịnh phối hợp với bộ đội phòng không bắn tan xác một máy bay F4 của không lực Hoa Kỳ. Niềm vui không tả xiết, dân quân Hải Thịnh reo hò đi thu lượm từng mảnh xác máy bay kéo về trụ sở UBND xã.
Cô dân quân Hà Thị Nhiên lúc đó đã lọt vào ống kính của nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Văn một cách tình cờ. Sau khi đoạt giải quốc tế, bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” đã được nhiều khán giả trong nước và quốc tế sưu tầm. Bà Nhiên kể: “Tôi kéo một mảnh vỡ của máy bay Mỹ từ bờ biển về trụ sở UBND xã và không hay biết ông ấy (Nghệ sỹ nhiếp ảnh Văn Quang) chụp từ lúc nào. Mấy năm sau, khi bức ảnh được công bố rộng rãi, đưa đi trưng bày cả trong nước lẫn quốc tế thì tôi mới biết cô dân quân trong ảnh đó chính là mình”.
Bình dị giữa đời thường
Đầu năm 1975, mối tình giữa cô dân quân Hà Thị Nhiên với chàng pháo thủ tiểu đoàn pháo bờ biển 66, Quân khu 3, Phạm Quang Tiến “đơm hoa kết trái”. Cũng vào năm đó, ông Tiến được xuất ngũ, bà Nhiên theo chồng về sinh sống tại TP Nam Định nhưng không xin được việc làm. Cuộc sống với bao lo toan vất vả, nuôi con ăn học chỉ biết trông chờ vào đồng lương mất sức của chồng và gánh sữa đậu nành, đậu hoa của bà mỗi sáng.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Nhiên ở thành Nam hỏi thăm về nữ dân quân kéo xác máy bay trên bờ biển Hải Thịnh năm nào không nhiều người biết. “Chẳng có cô Nhiên kéo xác máy bay nào cả, chỉ có bà Nhiên bán tào phớ ở ngã tư Cửa Đông”, một bác xe ôm trả lời. Trong hy vọng mong manh đó, chúng tôi đã đến ngã tư Cửa Đông, may mắn thay quán sữa đậu nhỏ bên vệ đường đó đúng là của đôi vợ chồng người nữ dân quân ngày ấy.
Sau khi đoạt giải Quốc tế năm 1970, bức ảnh "Sự trừng phạt đích đáng" đã được nhiều khán giả trong nước và quốc tế sưu tầm (Ảnh: Trần Việt Đức). |
Dưới cái nắng oi khi thời gian dần trở về trưa, ông Tiến vẫn ngồi bán nước cho khách, còn bà Nhiên lục tục về nhà thổi cơm. Hơn 30 năm nay, bất kể mùa hè hay mùa đông giá rét, hình ảnh người phụ nữ có gương mặt đôn hậu bên gánh sữa đậu nành, đậu hoa ở góc phố Lê Hồng Phong đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân. Người ta thường gọi bà với cái tên gắn liền với nghề của bà: “Bác Nhiên sữa đậu”. Tuy đã bước qua tuổi 62, một bên tai bị nghễnh ngãng do chịu sức ép của bom, nhưng một ngày với bà Nhiên vẫn bắt đầu từ 3h sáng, bán hàng đến tận trưa, gặp hôm ế, đến tận chiều. Tuy khuya sớm vất vả nhưng bà không giấu được niềm hạnh phúc khoe chuyện con cái: “Cả 3 cháu đều đã khôn lớn và xây dựng gia đình, vợ chồng tôi đang sống cùng con trai út”.
“Bác Nhiên sữa đậu” giờ đã vào Hội người cao tuổi, an phận với gánh sữa đậu của mình. Bà bảo, dù sao bà vẫn còn may mắn hơn nhiều so với các anh chị bộ đội, dân quân khác đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc. Bà cũng không cần ai biết đến đích danh người con gái trong bức ảnh đó. “Tôi cũng chỉ là một dân quân bình thường như rất nhiều chị em ở Hải Thịnh, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. May mắn cho tôi là được anh Quang Văn chụp ảnh. Bức ảnh đó là biểu tượng của dân quân Hải Thịnh chứ riêng gì cá nhân mình. Hơn nữa, chiến công đầu thuộc về những người trên mâm pháo”, bà Nhiên tâm sự.
Theo gia đình và xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
* Bạn không có tài khoản Google vẫn có thể nhận xét bằng cách chọn hồ sơ là [Tên/URL]. Với [Tên/URL] bạn chỉ cần viết tên mình trong ô (Tên) và bỏ trống ô (URL) -> xong nhấn vào [Tiếp tục] -> nhấn [Đăng nhận xét] là OK.
Cám ơn bạn!